Báo cáo của Phòng TN&MT huyện tịnh Biên

Nội dung vụ án

Theo trình bày của bà Ngô Thị Xuyến, nguồn gốc phần đất tranh chấp là của ông Ngô Văn Khánh (cha bà Xuyến) theo bằng khoán điền thổ 446, do chế độ cũ cấp năm 1944, vị trí tiếp giáp Quốc lộ 91 đoạn ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, với tổng diện tích lá: 5463,2m2. Theo đó, ông Khánh đã để lại thừa kế cho bà Xuyến.

Từ năm 1979, tại phần đất này, bà Xuyến đã tạo điều kiện cho một số hộ dân ở tạm. Do hoàn khó khăn, năm 1985, trong số diện tích 5463,2m2 bà Xuyến chuyển nhượng cho vợ chồng bà Ngô Thị Quạ và ông Lê Hồng Sơn bằng giấy viết tay diện tích 2.000m2 đất tại ấp Phú Hiệp, xã An Phú, cách QL91 khoảng 25m. Đến năm 1992, nhà nước có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), bà Xuyến đã đến UBND xã An Phú xin đăng kí kê khai phần diện tích còn lại nhưng cán bộ địa chính xã cho rằng đất này có nhiều hộ gia đình sinh sống nên không đăng kí được. Vì vậy, bà vẫn giữ nguyên hiện trạng và sử dụng bình thường.

Năm 2013, nghe tin đất được bồi thường vì bị thu hồi một phần thuộc dự án Đầu tư nâng cấp QL91, bà Xuyến đến UBND xã An Phú tìm hiểu về chính sách đền bù, mới tá hỏa biết tin năm 2001, vợ chồng bà Ngô Thị Quạ đã kê khai đăng kí xin cấp sổ đỏ nhằm chiếm dụng toàn bộ diện tích đất của bà Xuyến.

Ngày 12/6/2013, bà Xuyến gửi đơn khiến nại đến UBND xã An Phú yêu cầu bà Quạ trả lại phần diện tích đất đã lấn chiếm. Ngày 8/8/2013, UBND xã An Phú tiến hành hòa giải giữa hai bên nhưng không thành. Ngày 14/10/2013, bà Xuyến tiếp tục gửi đơn đến Phòng TN&MT huyện Tịnh Biên khiếu nại việc cấp sai sổ đỏ cho bà Quạ. Ngày 20/3/2014, Phòng TN&MT huyện Tịnh Biên có báo cáo số 35/BC-PTNMT xác định diện tích đất đang tranh chấp thuộc thửa số 15, tờ bản đồ số 23, diện tích 2.641 m2 (sau khi đo thực tế là 3.463m2) và việc cấp sổ đỏ cho vợ chồng bà Quạ đối với mảnh đất này là sai quy định.

 

 

Phiếu cung cấp thông tin của Chi nhánh Văn phong Đăng kí đất đai huyện Tịnh Biên

Cụ thể, trong đơn đăng kí QSDĐ ông Sơn, bà Quạ kê khai nguồn gốc đất sử dụng từ trước năm 1975 được UBND xã An Phú xác nhận ngày 23/8/2001 là không đúng thực tế vì đất có nguồn gốc mua lại của bà Xuyến năm 1985. Trong thời điểm lập hồ sơ có đến 6 hộ gia đình được bà Xuyến cho ở nhờ trên mảnh đất, thế nhưng bà Quạ không gặp các hộ trên để thương lượng và những hộ này khẳng định không kí vào bất kì giấy tờ nào của việc lập hồ sơ cấp sổ đỏ và chuyển nhượng sau này của bà Quạ.

Từ những vấn đề trên, Phòng TN&MT xác nhận việc cấp sổ đỏ số 02778/hK cho vợ chồng bà Quạ là trái qui định pháp luật do hội đồng xét duyệt hồ sơ xã An Phú thiếu kiểm tra, dẫn đến việc cấp sổ đỏ không đúng với hiện trạng sử dụng. Đồng thời, kiến nghị UBND huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang nhanh chóng thành lập đoàn thanh tra việc cấp sổ đỏ này; vì hiện nay bà Quạ đã tách và chuyển nhượng cho nhiều người, những người này cũng đã được cấp sooe đỏ.

Bà Xuyến khởi kiện nhờ tòa án giải quyết tranh chấp QSDĐ nói trên.

Thiếu hiểu biết hay cố tình “đùn đẩy” trách nhiệm?

Ngày 12/1/2016, TAND huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang thụ lí đơn khởi kiện của bà Ngô Thị Xuyến buộc bà Quạ sử dụng đúng 2000m2 và trả lại QSDĐ trên diện tích 2.641m2 còn lại (sau đó bổ sung thành 3.463m2 theo đo đạc thực tế); và yêu cầu những người được bà Quạ chuyển nhượng phần đất trên hoàn lại số tiền do nhà nước bồi thường dự án.

Ngày 13/12/2016, TAND huyện Tịnh Biên chuyển vụ án lên TAND tỉnh An Giang. Thế nhưng, 2 tháng sau TAND tỉnh lại chuyển ngược vụ án về huyện giải quyết theo thẩm quyền. Việc này cho thấy Tòa án 2 cấp ở tỉnh An Giang không phối hợp nhịp nhàng; dẫn đến viễn cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Mãi đến ngày 1/10/2018, TAND tỉnh An Giang tổ chức cuộc họp phê phán Chánh án TAND huyện Tịnh Biên không hoàn thành nhiệm vụ và Thẩm phán Phạm Tấn Tài, người thụ lí vụ án đã thiếu trách nhiệm. Đồng thời, thống nhất giao vụ án lại cho TAND tỉnh An Giang giải quyết.

Ngày 13/12/2016, TAND huyện Tịnh Biên chuyển vụ án lên TAND tỉnh An Giang để xét xử theo thẩm quyền, quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Ngày 9/2/2017, TAND tỉnh An Giang ra Thông báo số 53/2017/TB-TLVA thụ lí vụ án sơ thẩm và tiến hành giải quyết đúng quy định. Thế nhưng, vụ án lại được chuyển về huyện khiến việc giải quyết vụ án tiếp tục kéo dài. Dư luận đặt câu hỏi, Thẩm phán TAND tỉnh An Giang thiếu hiểu biết hay cố tình “đùn đẩy” trách nhiệm?

 

 

 

 

TAND huyện Tịnh Biên chuyển vụ án lên TAND tỉnh An Giang

Bản án sơ thẩm chưa khách quan

Ngày 17/10/2019, TAND tỉnh An Giang đưa vụ án ra xét xử, được thể hiện qua Bản án sơ thẩm số 65/2019/DS-ST. Phía bị đơn (bà Quạ) cung cấp tờ bán đứt mãnh đất ruộng lập ngày 5/6/1985, thể hiện bà Xuyến bán toàn bộ miếng đất vườn hình tam giác khoảng 3 công nằm bên dưới QL91, người mua được quyền làm chủ mảnh đất vĩnh viễn. Giấy bán đất viết tay có tên hai người làm chứng là ông Đặng Văn Việt và Ngô Văn Tống, thế nhưng theo kết quả xác minh, cả hai ông này đều khai không biết và không kí vào người làm chứng. Các tài liệu, chứng cứ liên quan giấy chuyển nhượng đất có rất nhiều mâu thuẫn. Tòa án xác định giấy chuyển nhượng đất không đúng cả về nội dung lẫn hình thức.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử vẫn căn cứ theo giấy chuyển nhượng xác định diện tích đất chuyển nhượng là toàn bộ phần đất của bà Xuyến, theo lời khai của bà Quạ và bác bỏ lời khai của bà Xuyến. HĐXX TAND tỉnh An Giang chấp nhận ý kiến của ông Nguyễn Văn Thành xác nhận việc cấp sổ đỏ cho vợ chồng bà Quạ là đúng quy định. Vì thế, ông Nguyễn Văn Sơn, Thẩm phán chủ tọa ra quyết định bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Xuyến bao gồm: Việc tranh chấp QSDĐ có diện tích 3.463m2, hủy sổ đỏ của bà Quạ và đòi lại số tiền bồi thường, hỗ trợ 132.840.000đ.

Kết quả giải quyết tranh chấp thể hiện nhiều mâu thuẫn, tại sao TAND tỉnh An Giang chỉ dựa vào tờ giấy mua bán không đúng cả về nội dung và hình thức cùng ý kiến của ông Nguyễn Văn Thành làm căn cứ để ra quyết định? Trong khi ý kiến của ông Thành hoàn toàn khác với kết quả báo cáo năm 2014 của Phòng TN&MT, tại sao cùng một Phòng TN&MT nhưng có đến 2 nhận định trái ngược nhau, vậy đâu mới là sự thật? Ông Thành đã xem xét toàn bộ quá trình, hồ sơ của vụ việc hay chưa? Liệu đây có phải là ý kiến của cá nhân ông Thành nên mới có sự mâu thuẫn đến vậy?

Báo cáo năm 2014 của Phòng TN&MT là tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ được HĐXX đánh giá thế nào? Nếu ý kiến của ông Nguyễn Văn Thành không đúng với thực tế nhưng lại là cơ sở để TAND tỉnh bác bỏ yêu cầu của bà Xuyến, thì bản án sơ thẩm số 65/2019/DS-ST có còn công bằng, minh bạch, phản ánh đúng sự thật hay không? Như vậy, ông Nguyễn Văn Sơn đã làm đúng vai trò, trách nhiệm bảo đảm sự thật khách quan của một Thẩm phán hay chưa?

 

 

 

 

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh An Giang

Cho đến bây giờ, bà Xuyến không đồng tình với bản án sơ thẩm của TAND tỉnh An Giang; bà Xuyến tiếp tục kháng cáo lên TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Qua sự việc trên, Báo Ngày mới online đề nghị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xem xét, xác minh, tìm ra chân lí của vụ việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Đồng thời có biện pháp xử lí đối với những cán bộ không làm đúng chức trách, nhiệm vụ và không tôn trọng sự thật khách quan.

Công Trình

Theo ngaymoionline.com.vn

https://ngaymoionline.com.vn/xet-xu-tranh-chap-qsdd-o-huyen-tinh-bien-tinh-an-giang-ban-an-so-tham-chua-khach-quan-4509.html