Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc phỏng vấn Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân về ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến lược mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và việc kế thừa, phát huy truyền thống của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong giai đoạn mới hiện nay.

Phóng viên (PV)Thưa Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc có thể khái quát đôi nét về ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến lược mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta?

Tự hào tiếp nối truyền thống “Đường Hồ Chí Minh trên biển”

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân. Ảnh: Tài Bá.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện: Như chúng ta đã biết, cách đây 60 năm, ngày (23/10/1961-23/10/2021), trước yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, cùng với đường bộ 559 vượt dãy Trường Sơn, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn vận tải thủy, có nhiệm vụ vận tải chi viện vũ khí, trang bị và cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường miền Nam bằng đường biển mang tên Đoàn 759 “Đoàn tàu Không số”- Tiền thân của Lữ đoàn 125 tàu vận tải quân sự Hải quân ngày nay.

Qua gần 14 năm vừa xây dựng lực lượng và thực hiện nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đoàn “Tàu Không số” đã vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí TBKT và hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, lập nên thành tích, chiến công đặc biệt to lớn, làm nên con đường "huyền thoại" mang tên Bác kính yêu.

Sự thành công của con đường đã để lại những ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, cụ thể:

Thứ nhất, thắng lợi của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” thể hiện tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đồng thời, con đường còn là khát vọng độc lập dân tộc, ý chí nghị lực, sự mưu trí sáng tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; là kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, trong đó Quân chủng Hải quân, trực tiếp là Đoàn 125 Anh hùng đã xây đắp nên.

Thứ hai, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là con đường nối liền giữa hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường miền Nam, đến các địa bàn xa xôi, khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất mà tuyến đường Trường Sơn trên bộ chưa vươn tới được, để kịp thời vận chuyển chi viện vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang, góp phần nâng cao khả năng chiến đấu, phát triển lực lượng.

“Đường Hồ Chí Minh trên biển” ra đời đã làm thay đổi cách đánh, tương quan lực lượng giữa ta và địch, cổ vũ phong trào đấu tranh vũ trang ngay trong lòng địch, tạo ra bước phát triển mới cho cách mạng miền Nam.

Thứ ba, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là con đường vận chuyển chiến lược, độc đáo, đạt hiệu quả cao, rút ngắn được thời gian vận chuyển và thương vong ít.

Chỉ tính 10 năm vận chuyển (từ 1961-1971), Đoàn tàu “Không số" đã thực hiện 168 chuyến đi, có 30 lần gặp địch phải chiến đấu, không một tàu nào bị bắt sống hay đầu hàng, hiệu suất vận chuyển đạt 93%.

Làm phép so sánh khi vận chuyển 100 tấn vũ khí: Nếu vận tải bằng đường biển, trên một con tàu, chúng ta chỉ cần 10-15 cán bộ, chiến sỹ, thời gian từ 8-10 ngày và chỉ tổn thất 7%; nhưng cùng số lượng vũ khí trên vận chuyển bằng đường bộ phải cần đến 01 Tiểu đoàn vận tải cơ giới hoặc phải sử dụng đến 01 Sư đoàn khuân vác và phải mất mấy tháng trời mới tới nơi, số lượng hàng hóa tổn thất tới 15%.

Như vậy, đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển hiệu quả và ít tổn thất hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà đã đáp ứng được Chỉ thị “Thần tốc”, “Đại thần tốc” của Bộ Tư lệnh Chiến dịch lúc bấy giờ.

Thứ tư, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là con đường chiến lược còn làm nhiệm vụ vận chuyển những loại hàng “đặc biệt”; đó là ngoại tệ; máy móc và thiết bị y tế quý, hiếm; những hoá chất đặc biệt. Đồng thời, còn đảm đương nhiệm vụ cao cả là: Đưa đón, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hàng trăm lượt cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các chuyên gia đầu ngành tăng cường cho chiến trường.


Đại biểu Quân chủng Hải quân và Hội truyền thống “Tàu Không số” dâng hương tại Bến K15 (Hải Phòng), nơi xuất phát đầu tiên của những con tàu không số đi chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Tài Bá.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện: Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của “Đoàn tàu không số”, trong những năm qua, Quân chủng Hải quân đã thực hiện tốt một số chủ trương, giải pháp cụ thể sau:

Trước hết, tập trung xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, trong đó, xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; đồng thời, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có ý chí quyết tâm chiến đấu cao; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hai là, luôn nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xử trí đúng các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ.

Ba là, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm của đường Hồ Chí Minh trên biển nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nhiệm vụ xây dựng Quân chủng Hải quân tiến thẳng lên hiện đại.

Bốn là, đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” gắn với xây dựng thế trận “Lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc.

Năm là, coi trọng nghiên cứu phát triển khoa học nghệ thuật quân sự và kỹ thuật quân sự Hải quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

PV: Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, xin đồng chí cho biết về những hoạt động được Quân chủng Hải quân tổ chức nhân dịp này và công tác đền ơn, đáp nghĩa?

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện: Với phương châm: “Chu đáo, nghĩa tình, trang trọng và xứng đáng với những chiến công như những huyền thoại” hướng về ngày kỷ niệm trọng thể, thời gian qua, mặc dù trước diễn biến phức tạp và sự tác động ảnh hưởng ớn của dịch bệnh COVID-19, song, Quân chủng Hải quân đã chủ động khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, bộ ngành Trung ương và địa phương tích cực, chủ động chuẩn bị về mọi mặt cho các hoạt động kỷ niệm; tập trung cho 07 chương trình hoạt động với hơn 30 nội dung công việc. Trong đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng sẽ tập trung vào một số điểm cơ bản:

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân chủng đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống 60 năm Ngày mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và các hoạt động của Quân chủng hướng về ngày kỷ niệm. Phối hợp với các cơ quan, thông tấn báo chí, truyền hình tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm sâu rộng tới quần chúng nhân dân.

Chỉ đạo Cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông “60 năm - Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”, thi trắc nghiệm trực tuyến “Theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển” và thực hiện đợt sinh hoạt chính trị “Thanh niên Hải quân tiếp bước huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Phối hợp với các địa phương tổ chức chỉnh trang bia di tích lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và chỉ đạo các đơn vị tổ chức Lễ dâng hương tại các bia di tích lịch sử “Đoàn tàu không số” trong toàn quốc.

Quân chủng tổ chức Đoàn đại biểu Báo công với Bác và gặp mặt Chủ tịch nước. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ.

Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ Bộ giao trong tổ chức Lễ kỷ niệm (diễn ra từ 9h30-11h00 ngày 22/10/2021 tại Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp). Ngoài ra, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo Lữ đoàn 125/Vùng 2 HQ tổ chức các hoạt động kỷ niệm phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19.

Đối với hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, Quân chủng Hải quân đã hỗ trợ, xây dựng 13 nhà tình nghĩa, 48 nhà đồng đội với số tiền trên 4 tỷ đồng (trong đó đã hỗ trợ, xây dựng 13 nhà tình nghĩa và 10 nhà đồng đội tặng các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ trực tiếp tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển với số tiền 462 triệu; hỗ trợ 19 Ban liên lạc tổ chức gặp mặt số tiền 179 triệu đồng).

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí./.

Quang Đạo - Thùy Linh
Theo dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tu-hao-tiep-noi-truyen-thong-duong-ho-chi-minh-tren-bien-594809.html