Ngày 19/6, Bộ Y tế tổ chức buổi tập huấn trực tuyến bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với trên 700 điểm cầu trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tìm mọi cách để đưa vắc xin về Việt Nam sớm nhất. Đây là chiến dịch quan trọng, là vũ khí tấn công và là biện pháp căn cơ lâu dài để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của mỗi con người. Để bảo đảm công tác tiêm chủng, ngành y tế phải nỗ lực từng khâu: từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vắc xin để bảo đảm chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).

Bộ Y tế sẽ thành lập ban chỉ đạo tiêm chủng quốc gia với nhiều tổ, trong đó có tổ an toàn tiêm chủng, tổ tiếp nhận, tổ bảo quản, công nghệ, truyền thông.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các cán bộ y tế phải khám sàng lọc trước, kiểm tra sức khỏe trước những người được tiêm, tại khu dân cư, công nghiệp, nhà máy... để mỗi mũi tiêm thực hiện đều bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro.

GS. TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng chỉ ra bốn nhóm đối tượng trong sàng lọc: nhóm đủ điều kiện tiêm ngay; nhóm thận trọng, nhóm trì hoãn và nhóm chống chỉ định.

Trong đó nhóm thận trọng phải được tiêm tại cơ sở y tế có đủ năng lực, phương tiện cấp cứu ban đầu. Đó là người có tiền sử dị ứng, người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi, người trên 65 tuổi, người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu như tăng huyết áp, mạch, nhịp thở bất thường…

Tại vùng sâu vùng xa khám sàng lọc phải có bác sĩ lâm sàng, điều dưỡng có kinh nghiệm khám sàng lọc.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã trình bày nhiều chuyên đề về hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vắc xin COVID-19, giám sát phản ứng sau tiêm, hướng dẫn xử trí phản vệ sau tiêm phòng vắc xin COVID-19, hướng dẫn xử trí huyết khối và giảm tiểu cầu sau tiêm.../.

Bích Hà
Theo dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/y-te/tap-huan-tiem-chung-vac-xin-phong-covid-19-tren-700-diem-cau-583466.html