“Đây là thời điểm thật sự khó khăn đối với chúng tôi. Nhưng nó là tình trạng chung mọi người sẽ cố gắng vượt qua”, chị Nguyễn Hoàng Lăng Viên, Hiệu trưởng trường mầm non Mỹ Đức, quận 12 nói.
Chị Viên cho hay, trường vừa xây xong cơ sở 2 với quy mô hiện đại nhưng mới hoạt động được hai hôm thì đóng cửa. Tiền thuê mặt bằng hai cơ sở cũng hơn 150 triệu với tiền lương của 40 cán bộ cũng hơn trăm triệu.
"Rất nhiều chi phí phải chi trả trong khi không có nguồn thu này. Dù thế, trường vẫn cố gắng đóng bảo hiểm cho các cô nhưng nếu tình hình kéo dài thì chỉ có thể hỗ trợ các cô được 1-2 triệu”, chị Viên nói thêm.
Để giúp giáo viên có công việc cũng như thêm chút thu nhập, chị đã cùng các cô bán trái cây trước cổng trường chờ ngày trường hoạt động trở lại.
“Là chủ trường nhưng đích thân tôi đi hàng lấy về, cùng các cô đứng bán hàng. Ngày trường sẽ bán thêm hoa để phục vụ cho ngày 8-3”, chị Viên cho biết thêm.
Mới đây, một nhóm giáo viên trường mầm non Ngôi nhà trẻ thơ, quận 12, TP.HCM cũng bán nước giải khát kiếm thêm thu nhập trong thời gian nghỉ chống dịch. Túp lều nơi các cô đứng bán có treo dòng chữ “Giải cứu giáo viên mầm non" vừa hài hước nhưng cũng đầy chua xót.
Ngành giáo dục tìm hướng hố trợ
Nắm bắt tình trạng trên, phòng GD&ĐT quận 8 đã có buổi làm việc với hiệu trưởng các trường.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, qua làm việc cho thấy, hầu hết các trường đều cố gắng đóng tiền bảo hiểm cho giáo viên. Đa phần giáo viên, nhân viên tại các trường đều đồng thuận với phương án này.
Đối với những cơ sở đặc biệt khó khăn, phòng GD&ĐT có tìm hiểu và tác động đến chủ nhà để có thể giảm tiền thuê mặt bằng cho các đơn vị trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh nhìn nhận, nhiều trường tư thực không đủ điều kiện cầm cự đã tự giải thể.
Ông Dũng cho biết, hiện Sở GD&ĐT đang có văn bản gửi các quận thống kê tình hình của các trường tư thục, từ đó có hướng giải quyết và kiến nghị lên cấp trên.
“Hiện phòng GD&ĐT đã đề nghị với UBND huyện Bình Chánh xem có ngân hàng nào cho vay với lãi suất hợp lý để các chủ trường có thể duy trì hoạt động. Phòng cũng đã họp với trường để nắm bắt tình hình. Đối với những đơn vị phải thuê mặt bằng, phòng cũng có gợi ý các chủ trường, nhóm lớp nói chuyện với chủ nhà để có được sự chia sẻ”, ông Dũng bày tỏ.
Các cô giáo trường mần non Ngôi nhà trẻ thơ (quận 12, TP.HCM) bán hàng kiếm thêm thu nhập trong thời gian trẻ nghỉ học vì dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trong khi đó, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho rằng, thời điểm này trường có mặt bằng còn đỡ, còn những trường phải thuê đi thuê sẽ khó khăn hơn. Do đó, nếu các trường có thể thương lượng với các chủ nhà để giảm tiền thuê hàng tháng thì sẽ là một phương án tốt.
“Trong cuộc họp mới đây, tôi đã đề xuất với UBND quận nên giảm tiền thuế cho các trường tư thục. Bên quận cũng đã đề nghị phòng gửi văn bản để xem xét”, ông Tuyên nói thêm.
Cũng theo ông Tuyên, không chỉ trường tư, hiện nay trường công cũng gặp khó khăn. Với việc cắt giảm biên chế, hiện các trường đang phải hợp đồng lao động với một số vị trí như phục vụ, bảo vệ, bảo mẫu. Do đó vấn đề chi trả tiền lương cho các bộ phận này cũng là vấn đề đáng bàn.
“Tôi đang yêu cầu các trường thống kê lại tiền lương cũng như tiền bảo hiểm xã hội cần chi trả cho những chức danh trên, để đề xuất lên quận”, vị này chia sẻ thêm.
Sở GD&ĐT đang nắm bắt tình hình
Sở đã có văn bản gửi tới 24 quận, huyện trên địa bàn đề nghị ghi nhận, báo cáo tình hình khó khăn các trường tư thục đang gặp phải.Thế nhưng đến thời điểm này, mới chỉ có quận Tân Bình gửi báo cáo về Sở.
Do có quá ít đơn vị gửi thông tin nên chưa có đủ cơ sở để tổng hợp thành báo cáo để tham mưu cho bán Giám đốc. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục nắm bắt từ các quận.
(Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM)